Đây là cuốn sách cho những người trăn trở. Nhiều người ghét sự trăn trở nên giấu tiệt nó đi và xem tất thảy những kẻ trăn trở là mấy tên dư não, dư thời gian.
Nhưng cũng có những người xem trăn trở là một phần của cuộc sống – như kiểu “tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”. Sinh thời, Tiến sĩ Alan Phan hay đùa là mình “không thông minh lắm” và ông tự do, khỏi tiền bạc và danh tiếng nên ông dành nhiều thời gian, nhiệt huyết (và dũng khí) để viết ra những trăn trở của mình – mặc kệ biết bao “rắc rối” kéo đến từ những trăn trở ấy.
Tiếng nói trăn trở ấy bao quát nhiều khía cạnh cuộc sống – từ kinh tế, kinh doanh đến tâm linh, cách sống thậm chí… cách dạy con ấy – tưởng chừng sẽ bị lạc lõng và lãng quên giữa thế giới quá nhiều biến động và cám dỗ hiện tại.
Nhưng không, tiếng nói – tiếng lòng ấy lại được trân trọng bởi rất nhiều người, lạ thay, người trẻ.
Tiến sĩ Alan Phan nói “Những điều tôi viết chia sẻ được với tuổi trẻ vì họ cũng thao thức như tôi” dù là “những người trẻ thao thức chỉ là thiểu số, còn phần lớn chẳng biết Alan là ai”.
Người trẻ – họ lạc quan về bản thân và thế giới, họ học hỏi – tư duy và lao động để thay đổi thế giới, nên họ trăn trở. Khi nhìn vào những điều họ không hiểu (hay không-thể-hiểu), họ suy nghĩ và trăn trở. Cái trăn trở ấy bắt nguồn từ sự để tâm thật lòng và khát vọng thay đổi, nếu không muốn và không tin vào thay đổi thì trăn trở làm gì?
Nhưng trăn trở ấy phải được biến thành hành động, như vĩ nhân Gandhi đã nói “Sự khác biệt giữa những điều ta có thể làm và những điều ta thật sự làm đủ để giải quyết hầu hết vấn đề trên thế giới này”.
Nếu bạn là một trong những người khác, những người cùng trăn trở với tiến sĩ Alan Phan về những vấn đề của xã hội, những người có ước mơ hoài bão và mong muốn thành công thì đây là quyển sách dành cho bạn, cùng phần nào giải pháp từ một người con đất Việt với hơn nửa đời đi ra biển lớn thế giới nhưng trái tim luôn hướng về quê hương.
Đây là quyển sách chắp bút bởi một người đã mất về cách ông đã sống và chiêm nghiệm, với một giấc mơ dang dở về tương lai tươi sáng. Có lẽ định mệnh chỉ cho phép ông đi đến đây thôi – và ông cũng rất mãn nguyện với chặng đường đã trải qua. Còn bạn, bạn sẽ đi đến đâu?